Câu chuyện gây tranh cãi: Bỏ tiền thuê phòng thì có quyền vứt rác, khăn bông khắp sàn nhà vì đã có nhân viên lau dọn?
Mới đây, trên một số trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một căn phòng đầy đủ tiện nghi của khách sạn được cho là ở Đà Nẵng, có thể thấy, căn phòng được lát sàn gỗ sang trọng, nội thất khá đẹp tuy nhiên lại ngập ngụa những vỏ lon, túi nilon cùng khăn bông vứt la liệt. Hình ảnh này gây tranh cãi một phần vì được chia sẻ lại bởi một số tài khoản, FB với caption khác nhau.
Vỏ lon cùng khăn bông vương vãi khắp sàn phòng nghỉ
Cụ thể, trên page Nghề khách sạn là dòng caption: "Chỉ muốn nói là, đành rằng chúng ta bỏ tiền đi nghỉ dưỡng để được phục vụ và trải nghiệm dịch vụ nhưng hãy tội nghiệp cho người dọn phòng khách sạn".
Còn trong một group kín khá đông thành viên, nữ nhân viên dọn phòng cũng chia sẻ việc thường xuyên phải lau dọn trong những phòng nghỉ khách sạn như "bãi chiến trường" thế này. "Ít ai biết rằng, để làm những công việc trên, ngành dịch vụ chúng tôi phải qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp cực khổ mới có thể vào làm việc. Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt ngăn nắp, lịch sự và tip cho phục vụ phòng".
Tài khoản này cũng cho rằng khi phục vụ người Nhật, cô thấy họ ngăn nắp, lịch sự, ấm áp và luôn tôn trọng người khác. Cô đưa ra quan điểm: "Người Việt có vẻ xem thường công việc này, thường biểu hiện là không đáp lại lời chào, cao giọng trên vai và lúc nào cũng cố tỏ ra là một người cao quý sang trọng nhiều tiền".
Thức ăn thừa, túi nilon do khách thuê phòng bày bừa khắp nơi.
"Làm nghề này là để phục vụ người khác, không dọn được thì nghỉ đi!"
Mặc dù những hình ảnh và lời chia sẻ của người đăng chỉ muốn nói về việc giữ gìn vệ sinh ở chính nơi mà chúng ta nghỉ dưỡng, tuy nhiên cũng có vô số những bình luận chỉ trích người dọn phòng, cho rằng họ "than vãn quá nhiều" trong khi đây là trách nhiệm và công việc của họ.
Một tài khoản tên T.L nói: "Thứ nhất, người ta bỏ tiền ra mua dịch vụ, bạn làm công ăn luong, người ta cũng vất vả kiếm tiền để được hưởng thụ, đương nhiên có ý thức hơn thì sẽ tốt nhưng với một phòng khách sạn như thế này người ta cũng tốn không ít tiền, người ta được hưởng thụ bạn ạ".
T.L cũng cho rằng so sánh giữa khách Việt với khách Nhật là khập khễnh và nhấn mạnh về nghề dọn phòng: "Bạn làm nghề này chính là nghề phục vụ người khác, không thích phục vụ thì nghỉ việc chả ảnh hưởng đến ai".
Có rất nhiều người đồng tình với quan điểm này và cho rằng khi bỏ tiền thuê phòng thì đã bao gồm chi phí lau dọn phòng, dù phòng ốc có bày bừa, dơ bẩn như thế nào thì khách không bao giờ sai và nhân viên khách sạn không có quyền lên tiếng, đánh giá hành vi của những "thượng đế" dù họ có biến phòng nghỉ thành... bãi rác chăng nữa, miễn là không tổn hại hay thất thoát nội thất theo quy định lưu trú.
Một vài nhân viên dọn phòng khác cũng cho biết họ từng phải dọn nhiều căn hộ, phòng nghỉ thậm chí còn kinh khủng hơn với những bãi khạc nhổ, nôn ói, rải cát quanh nhà... và họ phải chấp nhận vì đây là một phần của công việc.
Nhân viên lau dọn chỉ mong khách có ý thức hơn, một chút thôi!
Dẫu biết làm sạch phòng nghỉ là trách nhiệm của nhân viên dọn phòng, tuy nhiên có những khách hàng vẫn cho rằng nếu bản thân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh như bỏ rác đúng chỗ, không bày bừa thì cũng góp phần giảm tải lượng công việc cho nhân viên dọn phòng, đồng thời đó cũng chính là cách để hình thành thói quen giữ vệ sinh ở mọi nơi.
"Cũng biết là mỗi người một nghề và có vất vả riêng, đặc biệt là những người làm nghề dịch vụ như tôi đều ý thức được công việc đang làm. Nhưng điều muốn nhấn mạnh là ý thức của khách du lịch cũng như mong muốn sự cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn từ phía khách hàng, hơn hết là việc giữ vệ sinh chung. Bởi dù là khách sạn bình dân hay cao cấp thì đều có thùng rác trong phòng và ngoài hành lang cho du khách bỏ rác thay vì vứt xuống sàn nhà hay bày bừa ngay trên giường ngủ", tài khoản D.A bày tỏ.
Một nhân viên khách sạn cũng cho biết, các khác sạn 5 sao chỉ cho nhân viên 20 phút để dọn dẹp tất tần tật: Từ trải giường, hút bụi, lau sàn, cho đến dọn rửa nhà vệ sinh. "Nói ra thì tưởng dễ lắm chứ đã ai thử làm một ngày dọn buồng trong khách sạn chưa. Thử xem cái áp lực 20 phút phải dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm cho đến set up đầy đủ các đồ trong phòng xem như thế nào chưa".
"Mình từng làm cho 1 khách sạn 5 sao, có cảnh tượng còn khủng khiếp, mua hải sản mang đầy vô trong phòng, mà khách sạn không hề gần biển nhé. Bước vào phòng mà thực sự không biết bắt đầu dọn từ đâu. Lần đó phải mất 2h đồng hồ mình mới dọn hết tàn dư của nhóm khách bỏ lại. Không dám lên tiếng phàn nàn, nhưng chỉ mong mỗi vị khách thuê phòng hãy có ý thức hơn một chút thôi", tài khoản D.H.G. bình luận.
Bên cạnh đó cũng có nhiều vị khách hiểu được sự vất vả cũng như thông cảm với nhân viên dọn phòng nên thường chủ động thu dọn sơ qua phòng nghỉ trước khi rời đi. Tài khoản Khánh.L chia sẻ, "Mình đã đi du lịch ở vài nơi và từng ở từ khách sạn rất bình thường cho đến cao cấp. Trước khi check out mình đều dọn rác và bỏ rác vào thùng rác gọn gàng. Toilet dọn sơ gọn và để tiền tip lại dưới gối. Hãy là một khách hàng lịch sự".
Vị khách thường để lại tiền tip và lời nhắn cảm ơn nhân viên dọn phòng.
Xét về lý, rõ ràng khách hàng không sai vì không có quy chuẩn, quy định nào về việc khách phải giữ gìn vệ sinh trong phòng. Việc dọn phòng, xếp chăn mền vốn không phải việc khách phải làm. Nhưng xét trên khía cạnh tình và ứng xử, rõ ràng chúng ta có thể làm những việc đơn giản nhất như tự gom rác vào một góc hoặc vứt rác vào sọt, đó không chỉ giúp giảm tải công việc cho nhân viên mà còn giúp hình ảnh của chúng ta trở nên lịch thiệp hơn.
Đã đến lúc tâm lý "mua mâm phải đâm cho thủng" cần được đào thải, bởi tâm lý ấy sẽ dẫn đến một hành xử không đẹp, hành xử xấu lại dẫn đến thói quen xấu. Khi thói quen trở nên khó bỏ, những điều bạn nghĩ rằng "chỉ là chuyện nhỏ" đã vô tình biến hình ảnh của bản thân bạn trở nên... kém sang hơn!